Hoàng hôn trên bàu Chánh Trạch. |
Xa xa khói lam phủ nóc nhà ai, nơi thung lũng mà người dân gọi là bàu đến mùa trầm thủy, long mạch từ Ô Phi chảy mãi không bao giờ cạn nuôi dưỡng phù sa cho cả một vùng bàu…
Nguồn phù sa của bàu Chánh Trạch có từ núi Ô Phi. Tương truyền, núi Ô Phi ở đây là con quạ đen vẫy cánh bay lên án ngự ở phía Tây, phía Đông là con rồng nằm canh giấc. Có một người khổng lồ gánh hai hòn núi xuống lấp biển, ngăn dòng thủy quái thì bị té, hai hòn núi rớt xuống thành Mũi Rồng và Bãi Sau án ngữ thành hình rồng nằm. Ngọn hải đăng là đời sau muốn thắp lên mắt rồng một ánh sáng vĩnh hằng nhìn ra phía biển.
Dưa, bí khổng lồ
Mùa nước lớn, nguồn nước từ núi Ô Phi dữ dằn tuôn xuống ném tung đất đá, nhưng khi gặp bàu thì lại dịu dàng, phù sa ngủ quên để dòng nước âm thầm chảy ra Đề Gi về với mẹ biển. Đến bên bàu, mọi thứ được chở che, nuôi dưỡng. Ô Phi cho phù sa, bàu trả lại hoa màu. Xưa, Ô Phi nhiều loài thú, chim sống đông đúc bởi đất lành, bởi có bàu với muôn ngàn hoa thơm, quả lạ…
Chuyện kể tưởng ngàn xưa, nay vẫn hiển hiện ngay trên vùng đất Mỹ Thọ. Lạc vào mê cung của bí, tôi như không tin vào mắt mình khi nhìn thấy những trái bí khổng lồ. Tôi hỏi một cụ già râu tóc đã bạc, làm sao mà có được trái bí đao nặng đến cả mấy chục ký, trái dưa leo to bằng cổ chân? Vừa nghe hỏi, ông lão vểnh râu lên, nhìn thẳng vào mặt tôi, dịu giọng: “Bí ở đây nặng cả tạ chứ sao lại vài chục, dưa leo thì bằng quả mướp, còn mướp thì to bằng quả dưa gang, dưa gang thì to bằng quả bí, còn quả bí thì to… thế đấy!”. Nói đặng, ông lão cười khà rồi khuất dần giữa rừng bí lủng lẳng, quả nào cũng to hơn thân hình lão.
“To nhưng không dở, loài trái nào cũng đậm đà hương vị. Các loại dưa ở đây ăn không cần phải thêm gia vị, chỉ hái là ăn, ăn ngay tại ruộng, vừa có hơi mát từ mạch nguồn Ô Phi, vừa có vị ngọt từ phù sa bàu Chánh Trạch, lại vừa có vị mặn mà của biển do rồng phun nước vào”, lão nông Nguyễn Văn Thắng chắt lọc.
Anh Lê Mai Đảnh tiếp tục giữ “thương hiệu” cho bí khổng lồ. |
Lão nông Lê Tiến Đức (75 tuổi) giới thiệu: “Mùa nếp ba tháng, cả cánh đồng ở đây tỏa mùi thơm kỳ lạ. Đến hồi nếp chín, cả làng như đang xông trầm. Cậu có tin chuyện người lạ đi ngang cánh đồng nếp bị mùi hương quyến rũ lo ngoái đầu, lim dim mắt mà lọt xuống ruộng không?”.
Lão kể rằng, giống nếp này truyền lại từ mấy đời ông bà rồi. Giống lúa hiện nay vài mùa là bị thoái hóa nhưng giống nếp này thì mấy đời rồi vẫn luôn là “tế bào gốc”, nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã đến rồi đi mà không có câu trả lời vọng lại. “Giống này quý lắm, trước kia chạy giặc bao giờ cũng mang theo một vài ký nếp giống hoặc chôn một nơi kín đáo, mất gì thì mất chứ nếp ba tháng thì không thể mất”, lão nông mắt nhìn xa xăm, tâm sự.
Nếp bàu Chánh Trạch khi phơi cũng tỏa mùi hương. |
Cụ bà Trần Thị Hải chen vào câu chuyện “Hạt nếp thơm kỳ lạ nên ai nấu xôi nếp, làm bánh ít, bánh tét thì cả làng đều biết”. Bà cam đoan rằng, nếu không phải dân ở đây thì lần đầu không bao giờ ai nấu xôi bằng nếp ba tháng được. Nhiều cô dâu của làng khóc vì không nấu xôi, làm bánh tét, bánh ít được; bởi cứ hễ bỏ nếp vào nước đun sôi là nhão ỳ ra. “Nó dẻo và thơm, để không bị nhão và không mất mùi thơm thì… về làm dâu ở đây rồi biết!”, cụ bà cười đầy tự hào.
Cụ Nguyễn Thị Diệp: “Hành ở đây vừa to, vừa thơm ngon lắm”. |
Lão Đức chêm thêm: “Rượu này mà nhấm gỏi cá diếc thì… cả đời cậu mơ cũng không biết nó ngon thế nào. Cá diếc bàu này không nơi nào bằng”. Vào mùa khô, bàu không còn nước, trứng cá được mẹ đất che chở chờ mùa sinh nở. Mùa mưa nước ở lại bàu khoảng 8 tháng, đủ để cá sinh trưởng một chu kỳ.
Cánh đồng bàu rộng hơn 80 ha là “bầu sữa” của Mỹ Thọ. |
Mùa trầm thủy (nước không cạn), bàu Chánh Trạch càng trù phú. Mỗi khi vào mùa, ở cánh đồng rộn ràng những thương lái tranh nhau để được đưa hương vị của bàu đi khắp nơi. Đã có nhiều công ty, nhà máy đến đặt vấn đề chế biến hoa quả, nước bí đao, đặc biệt là tạo thương hiệu cho rượu Mỹ Thọ, vậy mà chưa ai đủ duyên để “nàng tiên thức dậy”.
Bờ biển Mỹ Thọ vẫn còn thơ mộng chưa bị cái gọi là “lợi ích kinh tế” băm nát. Làm sao để giữ được hương của nếp, vị của dưa, sự nồng nàn của rượu và một thắng cảnh đẹp là sự trăn trở bao đời của người dân ở đây.
Du lịch, GO! - Theo Trường Đăng (Bình Định online), internet
Link to full article
0 nhận xét:
Đăng nhận xét