Ngọn núi giờ thành hố sâu
Hầm đá thuộc “sở hữu” của gia đình ông Hòa thực ra là toàn bộ sườn núi đã được khai thác hết, trống trơn dưới cái nắng khét. Ông Hòa người gầy nhưng lại dẻo chắc như sợi dây rừng, tay cầm xà beng, tay xách búa tạ đứng choãi chân dưới chân vách đá.
Phiến đá bứt rời, trôi tuột xuống, đẩy luôn mớ đất, đá vụn rào rạt trôi theo. Bà Bến (vợ ông Hòa) đang đứng xếp đá cạnh đó mấy bước chân kêu to: “Thôi, ông nghỉ tay đi, để đó thằng cu lớn mần cho”.
Một xe ben thùng vào “ăn” hàng. Cả nhà xúm vào bốc đá lên xe. Ông Hòa và người con trai cả tên Chung dỡ từng cục đá to, gắng sức ném lên thùng xe. Bà Bến thì chọn những cục nhỏ hơn cho vừa sức. Cả ba người mải miết bốc, ném gần giờ đồng hồ thì đầy xe. Xe ô tô quay đầu, tiếng máy gầm gừ khi xe trườn qua ổ gà lớn, bỏ lại đằng sau từng đụn khói đen, sặc mùi dầu.
Theo chị Hương, hầm lớn là họ lợi dụng núi đứng cao, đục vào cho đá tự rơi xuống rồi phân loại xếp đóng. Hầm nhỏ phải đào, đục đá dưới thấp rồi vác chuyển lên mặt đường.
Hỏi chuyện gia đình, chị Hương giọng nhè nhẹ sau chiếc khăn bịt mặt: “Tôi theo nghề đá từ năm lên mười lăm tuổi. Khi tròn tuổi đôi mươi cũng có người đánh tiếng nhưng không hiểu vì sao lại chẳng nên đôi nên đũa. Sau rồi thì thôi, ở vậy luôn. Nhà thiếu ăn nên nghề đá là kế sinh nhai phải có mà làm. Sau này, tôi còn dắt em gái, cháu họ thành một nhóm làm mải miết tận bây chừ”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét