Vào thời cổ đại, những lễ hội đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới bắt đầu xuất hiện từ hàng thiên niên kỷ trước, với sự quan tâm, tham gia của hàng triệu người trên thế giới. Những phong tục đón năm mới độc đáo của người cổ đại có những tác động xã hội, chính trị và tôn giáo quan trọng đến ngày nay. Trong số đó, một số nền văn minh đón thời khắc quan trọng với nhiều điểm khá tương đồng với ngày nay như có rượu bia, pháo hoa và những bữa tiệc.
Lễ hội Akitu của người Babylon cổ đại: Sau khi mặt trăng đầu tiên xuất hiện sau khi xuân phân vào cuối tháng 3, người Babylon ở Lưỡng Hà cổ đại sẽ tổ chức lễ hồi dài ngày mang tên Akitu. Người dân thời đó bắt đầu tổ chức sự kiện trên vào khoảng năm 2000 trước công nguyên. Nó được đánh giá là có mối quan hệ mật thiết với tôn giáo và thần thoại.
Trong lễ hội Akitu, người dân sẽ đem những bức tượng của các vị thần diễu hành qua các đường phố. Thông qua những nghi lễ này, người Babylon tin rằng, thế giới được tái tạo bởi các vị thần để chuẩn bị cho một năm mới và sự trở lại của mùa xuân tràn đầy sức sống.
Một điểm hấp dẫn, độc đáo của lễ hội Akitu đó là có một nghi thức được gọi là sỉ nhục sức chịu đựng của vua Babylon. Theo phong tục truyền thống, nhà vua vùng đất này sẽ đứng trước bức tượng của vị thần Marduk rồi lột bỏ y phục hoàng gia của mình xuống đất. Sau đó, vị hoàng đế này phải lập lời thề trên danh dự của mình sẽ dẫn dắt thần dân Babylon với trách nhiệm cao nhất.
Nghi lễ chưa dừng lại ở đó khi một linh mục sẽ tát và kéo tai quốc vương với hy vọng sẽ làm cho ông ta khóc. Nếu như vua rơi nước mắt thì nó được coi là một dấu hiệu cho thấy thần Marduk rất hài lòng về ông cũng như tượng trưng cho việc quân vương này sẽ mở rộng sự cai trị của mình trong năm mới.
Người La Mã cổ đại tổ chức lễ hội mừng năm mới tưởng nhớ thần Janus: Năm mới của người La Mã cũng bắt đầu vào dịp xuân phân, khá trùng khớp với ngày 1/1 trong lịch hiện đại.
Đối với người dân thời cổ đại, tháng 1 có ý nghĩa đặc biệt. Tên của tháng đó được gọi là January bắt nguồn từ tên của vị thần hai đầu Janus. Đây được coi là vị thần của sự khởi thủy, thay đổi. Janus có hai cái đầu vừa có thể nhìn về năm cũ vừa hướng đến năm mới. Chính vì vậy, tên của vị thần này gắn với ý nghĩa chuyển biến từ năm này sang năm khác.
Người La Mã thường ăn mừng năm mới vào đúng ngày 1/1 và cầu khấn thần Janus sẽ ban may mắn cho họ. Phong tục này trở nên phổ biến, những người bạn và hàng xóm tạo ra sự khởi đầu tốt đẹp thông qua việc chúc những điều tốt đẹp và tặng nhau quả sung và mật ong để lấy may.
Nhà thơ Ovid cho biết hầu hết người La Mã cũng làm ít nhất là một phần công việc giống như thường ngày bởi họ cho rằng, lười nhác trong ngày đầu năm mới là một điềm báo xấu.
Người Ai Cập cổ đại tổ chức lễ hội Wepet Renpet: Văn hóa Ai Cập cổ đại được gắn liền với dòng sông Nile. Năm mới của họ thường xuất hiện khá trùng khớp với thời điểm lũ lụt hàng năm. Theo nhà văn La Mã có tên Censorinus, năm mới của người Ai Cập được dự báo bắt đầu vào thời điểm người ta nhìn thấy sao Thiên lang - ngôi sao sáng nhất trên bầu vắng bóng trong 70 ngày.
Thiên lang được cho là ngôi sao gần mặt trời và thường xảy ra vào giữa tháng 7 – trước khi con sông Nile đầy nước gây tràn bờ. Thông qua những lần nước tràn bờ, nó mang theo phù sa giúp cho đất đai canh tác của nông dân trở nên màu mỡ hơn và sản lượng lương thực sẽ dồi dào, trúng mùa lớn.
Khi đó, người Ai Cập tổ chức lễ hội có tên Wepet Renpet (nghĩa là sự khởi đầu năm mới). Năm mới được xem là thời gian sự tái sinh và trẻ hóa. Nó diễn ra với những nghi lễ tôn giáo đặc biệt. Trong dịp này, họ tận dụng cơ hội để được dịp say sưa thỏa thích. Theo kết quả khám phá, nghiên cứu của các nhà khảo cổ gần đây về ngôi đền Mut, vào tháng đầu tiên của năm mới, người Cập dưới thời trị vì của vua Hatshepsut tổ chức "Lễ hội say rượu".
Bữa tiệc rượu lớn này gắn liền với huyền thoại nữ thần chiến tranh Sekhmet - người đã lên kế hoạch giết chết tất cả của nhân loại nhưng đã bị thần Mặt trời Ra chuốc rượu say bất tỉnh nên kế hoạc bị sụp đổ. Để cám ơn và tưởng nhớ đến thần Ra, người dân Cập tổ chức ăn mừng với âm nhạc, sex, vui chơi và có lẽ điều quan trọng nhất không thể bỏ qua đó là được say sưa túy lúy trong men bia.
Trung Quốc cổ đại trang trí nhà cửa với giấy màu đỏ: Một trong những phong tục truyền thống đón năm mới lâu đời nhất bắt nguồn từ triều đại nhà Thương hơn 3.000 năm trước vẫn được người dân Trung Quốc tổ chức cho đến ngày nay. Đón mừng năm mới là dịp đánh dấu vụ mùa gieo trồng mới.
Theo một truyền thuyết, một sinh vật khát máu được gọi là Nian thường vào làng săn mồi vào mỗi dịp đầu năm mới. Do lo sợ con thú dữ đó đói bụng sẽ làm càn, dân làng trang trí ngôi nhà của họ với giấy màu đỏ, đốt tre và tạo tiếng ồn lớn. Với những màu sắc rực rỡ đó nhằm dọa quái thú bỏ đi, người dân tiếp tục duy trì nó trở thành một tập tục mỗi khi năm mới đến.
Người dân Trung Quốc cổ xưa ăn mừng năm mới trong thời gian ít nhất là 15 ngày và các thành viên trong gia đình thường tập trung ở giữa nhà để tổ chức các hoạt động vui chơi. Họ quan niệm, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trong năm mới đồng nghĩa với việc may mắn trong nhà sẽ “một đi không trở lại”. Đồng thời, họ phải trả hết nợ nần đã vay mượn từ năm trước để năm mới không lặp lại tình cảnh đó cũng như làm ăn phát tài, phát lộc.
Để ăn mừng năm mới tốt đẹp, tương lai sáng lạn, người dân trang trí những cánh cửa với những giấy màu đỏ và những thành viên trong gia đình tụ tập cùng tổ chức tiệc. Vào thế kỷ thứ X, sau khi phát minh ra thuốc súng, người Trung Quốc đón thời khắc quan trọng đó với pháo hoa. Họ đón năm mới theo lịch âm lịch có từ thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên. Do đó, nó thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch. (Ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét