Home » » Tháp Chiềng Sơ (Điện Biên)

Tháp Chiềng Sơ (Điện Biên)

��ng k? Th? ViSa
Di tích tháp Chiềng Sơ thuộc bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo thể hiện mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị của nhân dân hai nước Việt - Lào.

Từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 279 đi cửa khẩu Tây Trang, đến ngã ba Pom Lót rẽ trái khoảng 35km, rẽ phải đến Suối Lư (trung tâm huyện Điện Biên Đông cũ), đi 35km đến Mường Luân rồi đến UBND xã Chiềng Sơ, đi khoảng 1km rẽ trái qua cầu đi thẳng khoảng 8km là đến di tích.

Tuyến đường thứ 2 cũng xuất phát từ thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 279 đi cửa khẩu Tây Trang, đến ngã ba Pom Lót rẽ trái khoảng 40km, đến Na Son rẽ phải đi khoảng 30km đến Phì Nhừ. Từ đây quý khách đi thêm 30km nữa là đến di tích tháp Chiềng Sơ.

Đến nay, chưa có một tư liệu lịch sử cụ thể nào khẳng định niên đại khởi dựng của cây tháp nhưng kết quả của các nhà nghiên cứu cho thấy tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV-XVI. Tháp Chiềng Sơ là công trình kiến trúc nghệ thuật thể hiện rõ sự tài ba và sự sáng tạo nghệ thuật của nhân dân hai nước Việt - Lào. Tháp được kiến trúc theo hình nậm rượu, dưới to và phần trên nhỏ dần. Tháp cao 10,5m, bốn mặt xung quanh chân Tháp được đặt 2 chú voi ở đằng trước và 2 chú chó ở đằng sau. Tháp được xây dựng bằng gạch và vôi vữa mật. Gạch để xây Tháp có hai loại đó là gạch chỉ loại cỡ lớn, dày dùng để xây dưới chân Tháp, còn loại gạch nhỏ và mỏng dùng để xây trên thân, ngọn Tháp.

Phía chân Tháp được xây dựng theo hình vuông  gồm nhiều tầng xếp lên nhau làm cho dáng vẻ cây Tháp thêm phần chắc chắn, ngoài lớp gạch được trát một lớp vữa, xung quanh không trang trí hoa văn. Phần thân Tháp được trang trí những họa tiết hoa văn, nổi bật là một tòa sen có sáu lớp chồng lên nhau đội lấy tòa Tháp cùng với những đường nét hoa văn chìm nổi cách điệu hình chim muông, hoa lá theo bố cục từng phần rất hài hòa. Đặc biệt hơn cả là những con rồng được đắp nổi uốn mình quanh thân Tháp, đầu và đuôi rồng chụm vào nhau tạo thành hình số tám.

Những con rồng này mang trên mình lớp vảy rất đặc trưng, không giống bất cứ phong cách thể hiện nào qua các thời kỳ lịch sử ở Việt Nam. Rồng có kích thước nhỏ như những con rắn mà văn hóa Ấn Độ giáo tôn thờ. Tất cả những họa tiết hoa văn này được bố trí hài hòa quanh thân Tháp nhằm tạo điểm nhấn và tôn lên vẻ đẹp của Tháp đồng thời tạo sức hấp dẫn và lôi cuốn người xem khi được chiêm ngưỡng di tích kiến trúc nghệ thuật này.

Từ phần chính của thân tháp trở lên trên được xây theo kiểu kiến trúc hình ống dạng hình lục giác, xung quanh là đường tiếp tuyến xen lẫn hình cánh sen chạy liên hoàn quanh thân tháp. Toàn bộ thân Tháp có 3 tầng, các mặt của mỗi tầng được xây trát phẳng theo hình lục giác không trang trí hoa văn, đặc biệt phần chính giữa của mỗi tầng được xây phình to ra trông giống hình những búp sen non.

Ở giữa phần giáp nối của mỗi tầng đều được trang trí hoa văn, các hoa văn được cách điệu và đắp sẵn rồi gắn vào như: hình cánh sen, hình lưỡi mác, hình mặt trời và các hình hoa lá khác; bên trong các cánh sen và lưỡi mác có gắn những miếng gương nhỏ để khi mặt trời chiều vào tỏa ánh hào quang ra xung quanh. Tầng trên cùng (ngọn Tháp) được trang trí giống tầng dưới, chỉ khác về kích thước được thu nhỏ để tạo nên vẻ đẹp mềm mại và thanh tú của Tháp.

Tháp Chiềng Sơ tiềm ẩn nhiều giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa còn tồn tại đến ngày nay. Thứ nhất, đây là một di tích mang giá trị nghệ thuật cao về mặt kiến trúc. Kiểu dáng của Tháp kết hợp với những họa tiết hoa văn cho thấy đây là một di sản văn hóa cổ được gửi gắm những tư duy sáng tạo, những dụng ý nghệ thuật và suy tưởng về cuộc sống của những người trực tiếp xây dựng nên Tháp nói riêng và nhân dân hai dân tộc Việt - Lào nói chung.
Thứ hai, tháp Chiềng Sơ để lại giá trị lịch sử to lớn bởi đã giúp các nhà nghiên cứu tìm ra và khẳng định được lịch sử về tình đoàn kết gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc anh em Việt - Lào.

Thứ ba, giá trị về văn hóa: với sự sáng tạo tài tình, người xưa đã để lại cho thế hệ mai sau một di sản văn hóa - đó là một tòa kiến trúc Tháp cổ lộng lẫy mà ẩn chứa trong đó là nét đẹp văn hóa giữa Việt Nam và Lào đã cùng bắt tay chung ý tưởng để xây dựng nên. Sự tồn tại của tòa Tháp giáo dục thế hệ trẻ chúng ta nhìn vào di tích như soi vào một tấm gương lớn để thấy được thành quả lao động của cha ông với những nhiệt huyết, tài năng và sự đoàn kết. Mọi sự cố gắng ấy cho thấy mục đích mà cha ông ta muốn hướng tới đó là “Chân - Thiện - Mỹ”.

Ngày nay, giá trị của di tích một lần nữa được khẳng định thông qua Quyết định số 1255/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Chiềng Sơ, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Với vẻ đẹp kiến trúc và những ý nghĩa to lớn của tháp Chiềng Sơ, chính quyền các cấp cũng như nhân dân các dân tộc cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích nhằm bảo vệ một di sản văn hóa mãi trường tồn với thời gian.

Du lịch, GO! - Theo báo Tin tức Du lịch + internet
Link to full article
Share this video :

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2013. tesstholiday - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger