Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi
Nhãn lồng Hưng Yên chính là trái nhãn, một giống nhãn rất ngon đã từng được tiến vua. Có tên gọi là nhãn lồng vì khi nhãn chín phải dùng lồng bằng tre, nứa che lại để chim dơi khỏi ăn (đây là tôi ghi lại theo thông tin trên Wiki, ở miền Nam thì thường thấy bao lại bằng bao nylon hơn!).
Nhãn lồng Hưng Yên
Còn trái nhãn lồng ở miền Nam không phải trái nhãn, nó quen thuộc với tên gọi trái chùm bao hơn. Tên gọi chùm bao hoặc nhãn lồng của nó có lẽ do hình dáng đặc biệt: có một tấm lưới bao quanh trái. Có lẽ đứa trẻ miền quê nào ở miền Nam cũng đã từng biết qua trái chùm bao, nó mọc hoang ở những bụi cây, bờ rào... Hồi nhỏ, đi đâu gặp trái chùm bao tôi thường hái bỏ túi đem về chơi, cho mấy đứa em, hoặc bỏ vô miệng... ăn. Không ngon lắm, nhưng ngọt ngọt, ăn cũng vui!
Trái nhãn lồng (chùm bao) - Ảnh: Wikipedia
Dây và trái chùm bao - Ảnh: Doanh nhân SG online
- Bài dân ca Lý chim quyên và câu ca dao trên là của miền Nam
- Dây chùm bao mọc hoang trong rừng, trong rẫy và chim quyên đáp xuống ăn trái là điều rất tự nhiên, chứ nếu mà ăn trái nhãn (đang ở trong lồng) của Hưng Yên thì sẽ bị người ta vác cây ra đập!
À, biết rồi, để cho có vần ấy mà. Nếu là Chim quyên ăn trái chùm bao? thì câu hát sẽ thành:
Chim quyên ăn trái chùm bao
Lia thia quen chậu, đứa nào quen hơi?
Phạm Hoài Nhân
Link to full article
0 nhận xét:
Đăng nhận xét